Trang chủ / Tin tức & sự kiện / Tin tức & sự kiện

Ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28/9

Ngày đăng: 2023-09-28

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.

Ngày 28/09/2023 đánh dấu Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại lần thứ 17, với mục tiêu: "Không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp với việc phòng chống bệnh dại, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh dại gây ra, giảm thiểu người bị tai nạn do động vật cắn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 60.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.

Hiện nay, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Từ đầu năm 2023 đến hết ngày 30/08/2023, cả nước ghi nhận 55 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại 25/63 tỉnh thành, tăng 15 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 (40 ca). Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 30/8/2023 ghi nhận 01 trường hợp tử vong do dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Phát hiện và xử lý 08 ổ dịch dại trên chó tại huyện Bình Liêu (4 ổ), huyện Đầm Hà (2 ổ), huyện Hải Hà (1 ổ) và huyện Ba Chẽ (1 ổ).

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại,các đơn vị y tế địa phương cần tổ chức truyền thông với nhiều hình thức như: Phát các thông điệp phòng, chống dịch bệnh dại hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh huyện và các xã, thị trấn, trên các nền tảng số, mạng xã hội; Tổ chức truyền thông tại trường học, cộng đồng, có thể lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, họp thôn khu phố trong tháng 9/2023; Truyền thông trực tiếp, phát tờ rơi đến tận hộ gia đình tại các khu vực có ổ dịch, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; Treo băng rôn, khẩu hiệu với những thông tin đơn giản, dễ hiểu, tính minh họa rõ ràng; Phát tờ rơi, poster truyền thông phòng chống bệnh dại ; Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức mít tinh, diễu hành, truyền thông lưu động.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

- Khi bị chó, mèo cắn cần:

+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

+ Vết thương cần được rửa sạch với bằng cồn sát khuẩn thông thường, Povidine…

+ Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

+ Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

Đối tác liên kết
về đầu trang

Hòm thư góp ý